Hot Hot KINH NGHIỆM DU LỊCH LỆ GIANG TỰ TÚC BẰNG MÁY BAY

Gần đây tôi luôn nhớ về những ngày tháng xê dịch khắp nơi trước khi đại dịch Covid-19 quái ác bùng lên khắp thế giới. Trong nỗi buồn hiu hắt những ngày này, tôi viết bài này vừa để ăn mày quá khứ vừa để chia sẻ một chút kinh nghiệm đi du lịch tự túc từ Hà Nội đến Lệ Giang.

Lệ Giang, cổ trấn đẹp nhất Trung Quốc đã làm tôi tò mò đã lâu. Cuối tháng 10 năm 2019, Lệ Giang được chọn là địa danh đầu tiên tại Trung Quốc để tôi và đứa bạn thân thử liều đi du lịch tự túc. Là lần đầu tiên du lịch Trung Quốc lại không biết tiếng Trung nên bọn tôi đã mất khoảng hơn 1 tháng tìm hiểu thông tin, lên lịch trình và thực hiện công tác chuẩn bị cho chuyến đi này. Tôi vô cùng cảm kích các bạn trẻ Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm du lịch Lệ Giang tự túc của họ, chuyến đi của bọn tôi đã diễn ra vô cùng thuận lợi. Nhưng khác với hầu hết các bạn du lịch tự túc Lệ Giang bằng tàu hỏa, hai đứa chúng tôi đã quyết định di chuyển bằng máy bay.

Bạn đang xem: kinh nghiệm đi lệ giang bằng máy bay

A. Nên đi du lịch Lệ Giang vào thời điểm nào?

Một nơi phong thủy hữu tình như Lệ Giang thì chắc quanh năm bốn mùa đều có nét đẹp riêng. Nhưng chúng tôi đã chọn mùa thu để đi du lịch, thời tiết không nóng quá mà cũng không lạnh quá. Do Quốc Khánh Trung Quốc rơi vào đầu tháng Mười và dân họ thường được nghỉ lễ hẳn 10 ngày đầu tháng Mười nên chúng tôi đã xếp lịch đi vào cuối tháng Mười. Hành trình của chúng tôi kéo dài 6 ngày, trong đó trọn vẹn ở Lệ Giang 4 ngày 4 đêm.

Vào thời điểm cuối tháng Mười, Lệ Giang ngập nắng vào ban ngày, se lạnh vào buổi tối và ban đêm. Ban ngày nắng ấm, nhiệt độ dao động khoảng 25 độ, buổi tối thì xuống thấp khoảng 12-13 độ. Không khí mùa này có đặc điểm chính là ngày thì nắng hanh khô, đêm thì lạnh khô, các bạn nhớ chú ý dưỡng ẩm và chống nắng đầy đủ. Lá cây vào thời điểm này mới bắt đầu đổi màu nên vẫn còn màu xanh xen kẽ với màu vàng đỏ cam các kiểu. Ở Lệ Giang đặc biệt trồng nhiều hoa các loại, thời điểm tôi đến thì một số loại hoa bắt đầu héo rồi. Nhưng cảnh vật vẫn vô cùng ‘thơ’ nhé các bạn.

Một cây phong đầy lá vàng những ngày cuối tháng Mười. Trong khi những rặng cây phía xa vẫn còn xanh mướt.
Một góc trong Lệ Giang cổ trấn.

B. Chuẩn bị gì trước khi lên đường?

Visa (thị thực) du lịch

Công dân Việt Nam muốn đi du lịch Trung Quốc thì cần có visa du lịch Trung Quốc do Đại sứ quán Trung Quốc cung cấp, dán vào trong Hộ chiếu. Sau khi tìm hiểu thông tin liên quan, chúng tôi quyết định làm visa tại một đại lý du lịch trên phố cổ Hà Nội, chi phí thời điểm năm 2019 là 100 USD cho visa du lịch 1 lần (áp dụng cho Hộ chiếu đã từng đi du lịch nước ngoài trước đó). Trên mạng cũng có vài bạn chia sẻ về việc tự làm visa tại Đại sứ quán Trung Quốc thì chi phí sẽ rẻ hơn (khoảng 60 USD) nhưng do bọn tôi không chắc chắn và muốn nhanh gọn nhẹ nên đã lựa chọn bỏ ra 100 USD để làm qua dịch vụ. Bọn tôi chỉ cần giao cho bên dịch vụ Hộ chiếu gốc, bản sao CMND, Ảnh chụp thẳng mặt không che tai và trán. Thời gian làm visa Trung Quốc qua bên dịch vụ là khoảng 2 tuần. Về cơ bản là giấy tờ cần nộp sẽ theo yêu cầu của Đại sứ quán, nhưng các bạn nhớ hỏi lại thông tin chính xác vào thời điểm đi làm visa nhé. Có visa xong thì chúng tôi mới tiến hành các bước chuẩn bị khác.

SIM điện thoại

Chúng tôi mua SIM 4G cài sẵn VPN để dùng tại Trung Quốc. Các bạn chỉ cần tìm kiếm trên internet sẽ thấy các bên bán SIM du lịch Trung Quốc, bạn so sánh giá và chọn mua của bên nào bạn muốn. Trước khi đi Lệ Giang, bọn tôi mua sẵn SIM du lịch Trung Quốc có giá là 180K loại dùng cho 7 ngày, dung lượng 5GB. Sang Trung Quốc tôi vẫn xem dùng được google map và google dịch, đây là hai công cụ vô cùng quan trọng đối với đứa không biết tiếng Trung như tôi.

Bảo hiểm du lịch

Chúng tôi quyết định bỏ ra 200K/người để mua bảo hiểm du lịch. Du lịch Trung Quốc lần đầu tiên mà, nên tôi cứ phải cẩn tắc vô áy náy. Chẳng may bị thất lạc hành lý hay ốm đau gì thì còn cảm thấy yên tâm một chút. Chúng tôi mua bảo hiểm du lịch của MSIG nhưng hiện có rất nhiều hãng cung cấp loại bảo hiểm này, các bạn có thể tham khảo trên mạng nhé.

Đặt phòng khách sạn

Sau khi tham khảo rất nhiều kinh nghiệm của các bạn khác, tôi quyết định đặt phòng tại Garden Inn thông qua danangchothue.com. Lý do chính là vì tôi và đứa bạn đều không biết tiếng Trung nên cần phải ở nhà nghỉ nào mà có nhân viên nói tiếng Anh tốt. Hai đứa chúng tôi mất khoảng 2,5 triệu đồng để đặt một phòng đôi cho 4 đêm tại Garden Inn. Và tôi thấy lựa chọn này rất sáng suốt. Chúng tôi không gặp khó khăn trong giao tiếp với anh chị chủ nhà tại Garden Inn và được họ hỗ trợ đặt tour, gọi taxi rất tiện lợi. Vị trí của Garden Inn chỉ cách khu cổ trấn 1 con đường. Tôi chỉ cần sang đường là sẽ tiến vào các con ngõ nhỏ len lỏi vào cổ trấn. Hơn nữa, các quán ăn trên con đường trước lối vào Garden Inn cũng có giá rẻ hơn các quán ăn sâu trong cổ trấn.

Mua vé máy bay

Chúng tôi lựa chọn phương tiện di chuyển là máy bay từ Hà Nội đến Lệ Giang nên cũng xác định là chi phí sẽ cao hơn so với đi tàu hỏa kết hợp xe buýt như các bạn khác. Vào thời điểm chúng tôi mua vé, giá vé khứ hồi của hãng China Southern Airlines trên danangchothue.com là khoảng 5,6 triệu/người cho 4 lượt bay gồm Hà Nội – Thâm Quyến, Thâm Quyến – Lệ Giang, Lệ Giang – Quảng Châu và Quảng Châu – Hà Nội. Vé của chúng tôi là hạng ghế phổ thông. Thời gian trung chuyển tại Thâm Quyến và Quảng Châu của chúng tôi là hơn 13 tiếng.

Mua vé xong, hai đứa chúng tôi đã xác định là phải dành ra 2 đêm để tham quan sân bay quốc tế Bảo An (Thâm Quyến) và sân bay quốc tế Bạch Vân (Quảng Châu). Nhưng đời nhiều khi lại đẹp như mơ. China Southern Airlines có chính sách hỗ trợ khách sạn và đưa đón miễn phí cho hành khách bay quốc tế mà phải quá cảnh từ 8 tiếng trở lên. Các bạn có thể tham khảo thông tin chi tiết tại website của hãng, vào mục Transit Service. Website bằng tiếng Anh của China Southern Airlines cho phép tôi đăng ký trước khách sạn transit tại Quảng Châu. Nhưng với chặng transit tại Thâm Quyến thì tôi không tìm được thông tin để đặt phòng khách sạn. Vậy là hai đứa bọn tôi lên đường với tâm trạng háo hức và hơi lo lắng về vấn đề nghỉ đêm tại Thâm Quyến. Thôi kệ, cùng lắm thì tham quan sân bay rồi ngủ luôn ở sân bay vậy.

Nguồn: danangchothue.com/en/

Đổi tiền

Tại Trung Quốc, người dân chủ yếu thanh toán qua các ứng dụng nội địa của họ như Wechat Pay hay Alipay. Chúng tôi không có tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc và cũng không biết sử dụng các ứng dụng trên nên quyết định dùng tiền mặt. Tôi có thẻ Visa và Master cho phép thanh toán quốc tế nhưng không biết ở Trung Quốc có dùng được không và thường sẽ mất phí quy đổi ngoại tệ khi thanh toán nên chỉ mang theo thẻ để phòng thân chứ cũng không dùng đến. Địa điểm nổi tiếng nhất để đổi tiền ở Hà Nội là con đường Hà Trung. Tôi hay đổi ngoại tệ tại tiệm Quốc Trinh, tỷ giá ở đây khá hợp lý. Đơn vị tiền tệ của Trung Quốc là Nhân dân tệ. Trong văn nói thì họ đọc là ‘Khoai’. Ví dụ 3 Nhân dân tệ sẽ phát âm là ‘xan khoai’ và 5 Nhân dân tệ là ‘ủ khoai’. Tôi học cách nói các số từ 1 đến 1000 trong tiếng Trung thông qua chị google dịch để tiện sang đó giao dịch mua bán.

C. Hành trình đáng nhớ

Ngày 1: Hà Nội – Thâm Quyến

Chuyến bay của chúng tôi khởi hành vào tầm chiều tối ở Việt Nam nên chúng tôi ăn tối luôn trên máy bay. Bay từ sân bay Nội Bài đến sân bay Bảo An tại Thâm Quyến mất khoảng 2 tiếng. Máy bay đi đọc bên ngoài sân bay cũng khá lâu trước khi dừng lại hẳn. Sân bay Bảo An thiết kế theo hình cây thánh giá, có chiều dài vô cùng khủng khiếp. Đúng là Trung Quốc đất rộng người đông, sân bay của họ lớn gấp hàng chục lần sân bay ở Việt Nam luôn. Chúng tôi ra khỏi sân bay trong tâm trạng hồi hộp, không biết rồi mình có phải lang thang cả đêm ở sân bay không nữa. Bất ngờ thay, vừa đặt chân vào trong sân bay là chúng tôi được một cô nhân viên người Trung Quốc đứng đón sẵn với danh sách các khách hàng thuộc diện được hưởng dịch vụ khách sạn transit miễn phí của China Southern Airlines. Mặc dù phải dùng các loại app dịch thuật để trao đổi với nhau nhưng cuối cùng chúng tôi cũng biết được rằng hãng China Southern Airlines đã chuẩn bị sẵn khách sạn transit cho mình, chúng tôi chỉ cần làm thủ tục nhập cảnh xong và ngồi đợi người đến đón.

Sân bay quốc tế Bảo An. Chúng tôi ngồi trước quầy có bảng Transit Service màu đỏ để đợi xe đón về khách sạn

Sau khoảng 30 phút, có một nhóm nhân viên sân bay tới lùa chúng tôi và cùng một vài vị khách khác đi ra bãi đỗ xe của sân bay để về khách sạn transit. Đó là một khách sạn cũng đầy đủ tiện nghi, cách sân bay khoảng 15 phút di chuyển bằng ô tô. Nhân viên khách sạn đưa cho hai đứa tôi mỗi người 1 túi đồ ăn nhẹ gồm sữa và bánh ngọt, bảo là đồ ăn nhẹ buổi tối. Chúng tôi ăn uống tắm rửa rồi đi ngủ. Tôi cảm thấy ấn tượng vô cùng với sự chu đáo của China Southern Airlines cũng như sự thân thiện của tất cả nhân viên sân bay và khách sạn mà tôi đã tiếp xúc trong vài tiếng ngắn ngủi đặt chân xuống nước bạn.

Ngày 2: Lệ Giang cổ trấn

Sáng sớm hôm sau, xe ô tô đến khách sạn đón chúng tôi quay lại sân bay. Nhân viên khách sạn lại đưa cho chúng tôi mỗi người một túi đồ ăn sáng gồm bánh bao nóng và sữa. Tôi rời Thâm Quyến trong tâm trạng cực kỳ mãn nguyện. China Southern Airlines chính thức trở thành hãng hàng không yêu thích của tôi. Tôi cũng hay đi du lịch, đã từng sử dụng dịch vụ của các hãng hàng không từ bình dân đến hạng sang nhưng chưa có hãng nào đối xử với tôi tử tế như hãng Hàng Không Phương Nam Trung Quốc này. Thời gian bay từ Thâm Quyến đến Lệ Giang cũng rơi vào khoảng 2 tiếng đồng hồ. Lệ Giang chào đón chúng tôi với tiết trời trong trẻo, gió mát, nắng nhẹ, hơi se lạnh.

Dành cho bạn: Hot Hot Cách chỉnh laptop không tắt màn hình đơn giản, tiện lợi

Chúng tôi đẩy hành lý ra khỏi sảnh Arrival của sân bay Tam Nghĩa (Lệ Giang) và mua vé shuttle bus về bến xe trung tâm ngay tại cửa ra. Hai đứa chúng tôi tra google map thì thấy Garden Inn chỉ cách bến xe trung tâm khoảng hơn 1 km nên quyết định đi bộ kéo vali. Đường phố tại khu ngoài cổ trấn Lệ Giang cũng sạch đẹp, ngăn nắp. Thời tiết cũng dễ chịu cho việc đi bộ. Ai ngờ một nửa quãng đường của chúng tôi là leo dốc. Vừa leo vừa kéo đẩy vali xong phải di chuyển lên xuống vỉa hè liên tục nên cũng khá oải. Lệ Giang là một vùng núi nên bạn sẽ thường xuyên có trải nghiệm lên dốc, xuống dốc, leo bậc thang lên xuống các kiểu. Chưa kể lối vào Garnden Inn là khoảng 300-400m leo lên các bậc thang khá cao. Bạn tôi còn phải đứng nghỉ giữa đường rồi mới leo tiếp được. Hai đứa chúng tôi tha lôi được 2 cái vali lên đến nơi thì đứng thở hồng hộc. Mồ hôi lấm tấm dù đang là mùa thu se lạnh, nhiệt độ chỉ khoảng 18-20 độ.

Quá mệt vì quãng đường đi bộ, trèo đồi, leo thang nên chúng tôi ra ngay quán cơm cạnh lối vào Garden Inn để ăn trưa. Trước khi đi Lệ Giang thì tôi với đứa bạn đã tìm hiểu qua và biết được đặc sản số 1 tại Lệ Giang là Bún qua cầu (过桥米线). May mà quán này có menu hình ảnh món Bún qua cầu nên tôi chỉ việc chỉ vào hình ảnh để gọi món. Gọi là bún nhưng thực ra là sợi mỳ ăn cùng nước dùng nóng và các loại đồ ăn kèm từ rau nấm đến các loại thịt, trứng. Giá càng cao thì topping ăn kèm với mỳ càng nhiều. Món này được bán theo các suất có giá tiền khác nhau. Khi mang đồ ăn ra thì nhân viên nhà hàng sẽ giúp thực khách trộn tất cả các loại nguyên liệu trên vào cùng một nồi nước dùng còn đang sôi. Món này khá dễ ăn với chúng tôi, hương vị thanh thanh, không cay, không ngập mỡ.

No bụng rồi chúng tôi tự tin bật google map ra để tiến vào cổ trấn thăm thú. Lệ Giang cổ trấn làm tôi ấn tượng mạnh ngay từ lúc mới bước chân vào những con đường lát đá hàng trăm tuổi đã mòn nhẵn. Những ngôi nhà cổ kính bình yên nằm lặng trong những con ngõ nhỏ đầy hoa giấy, hoa cúc và nhiều loại hoa cũng như dây leo khác. Tuy là cổ trấn nhưng thi thoảng bạn sẽ gặp những quầy bán nước ép do robot phục vụ. Bảng hướng dẫn chủ yếu là tiếng Trung nên tôi chỉ tò mò chụp ảnh kỷ niệm chứ không mua nước của mấy quán robot này. Ở Trung Quốc người dân hầu như không dùng tiền mặt mà thanh toán qua các ứng dụng như Wechat hay Alipay. Tôi đi mua cái mũ đội đầu ở một cửa hàng khiêm tốn nằm ven đường mà chủ quán cũng mang một mã QR ra để tôi thanh toán. Dĩ nhiên là tôi chỉ có thể trả chú đó tiền mặt.

Robot bán đồ uống ngay lối vào cổ trấn.
Những bậc thang gần lối lên Vạn Cổ Lầu
View toàn cảnh cổ trấn nhìn từ quán cafe gần Vạn Cổ Lầu

Chúng tôi leo lên đỉnh đồi chỗ có Vạn Cổ Lầu. Nhưng không vào thăm Vạn Cổ Lầu mà chỉ ngồi ở ngoài uống café và ngắm cảnh. Các bậc đá dẫn lên khu này khá cao, leo lên cũng khá tốn sức. Trước khi hoàng hôn buông xuống, chúng tôi kịp đi thăm một khu nhà cổ miễn phí vé tham quan cho du khách. Họ cũng có những tờ rơi giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Chúng tôi cũng kịp đi bộ vào trung tâm của cổ trấn, nơi có bánh xe nước lớn và khu vực treo rất nhiều thẻ gỗ để du khách mua thẻ, viết lời ước treo lên và sống ảo. Một phần vì di chuyển nhiều hơi mệt, một phần vì buổi tối tại Lệ Giang khá lạnh nên chúng tôi quay về ăn lẩu tại quán ăn gần Garden Inn rồi mua hướng dương lên phòng ngồi cắn cho ấm áp.

Bánh xe nước lớn ở trung tâm Lệ Giang cổ trấn
Khu vực sống ảo của các bạn trẻ

Ngày 3: Công viên Hắc Long Đàm

Do hôm trước chưa đi thăm được hết cổ trấn nên kế hoạch trong ngày hôm nay của chúng tôi là khám phá trọn vẹn cổ trấn và đi thăm công viên Hắc Long Đàm. Theo trải nghiệm của chúng tôi thì google map không chính xác khi sử dụng trong khu vực cổ trấn. Sau một hồi đi linh tinh theo google map thì chúng tôi quyết bỏ cuộc, quay về với cách nguyên thủy. Trong Lệ Giang cổ trấn có rất nhiều bản đồ bằng đá khá to để chỉ đường cho du khách. Mỗi bản đồ đá đều đánh dấu các điểm tham quan nổi tiếng trong cổ trấn. Có cả tiếng Anh và vị trí hiện tại của bạn trong cổ trấn nên cũng dễ theo dõi.

Điểm tham quan chính trong ngày của chúng tôi là công viên Hắc Long Đàm. Điểm đặc biệt của công viên này nằm ở vé vào cửa. Tôi không nhớ chính xác vé vào công viên là bao nhiêu, chỉ nhớ là không đắt đỏ lắm. Vé này cho phép du khách tham quan không giới hạn trong 1 tuần (hay 10 ngày gì đó). Bạn chỉ cần mua vé một lần và giữ lại để dùng tiếp cho những lần vào cổng sau. Công viên này khá rộng với nhiều cây xanh bao quanh một cái hồ lớn. Người dân địa phương chủ yếu vào đây để tập thể dục và nhảy tập thể. Chúng tôi dành cả buổi sáng trong này để tận hưởng không khí trong lành, ngập tràn sắc xanh cỏ cây. Trong khuôn viên này cũng có một vài công trình kiến trúc kiểu chùa chiền cổ cổ để du khách có thể tham quan.

Hắc Long Đàm
Người dân bản địa nhảy múa

Ngày 4: Ngọc Long Tuyết Sơn và Thung lũng Lam Nguyệt

Ngày thứ tư này chính là ngày tôi thích nhất trong cả chuyến đi. Hành trình thăm thú trong ngày này cũng chính là lý do khiến tôi quyết định học tiếng Trung và ấp ủ những dự định du lịch Trung Quốc trong tương lai.

Chúng tôi mua tour đi tham quan Ngọc Long Tuyết Sơn và Thung lũng Lam Nguyệt trong 1 ngày tại Garden Inn. Tour này đúng kiểu là điểm nhấn của cả chuyến du hành đến Lệ Giang nên phải đặt mua sớm các bạn ạ. Tôi hỏi mua tour ngay trong hôm đầu tiên đến Lệ Giang nhưng vì quá đông khách đặt mua nên phải đến ngày thứ tư của hành trình chúng tôi mới được trải nghiệm tour này. Giá tour tôi mua ngay tại Garden Inn là khoảng 350 nhân dân tệ (thời điểm tháng 10 năm 2019). Chúng tôi chọn gói tour không bao gồm show diễn Ấn tượng Lệ Giang.

Xe đón chúng tôi tại Garden từ khoảng 6h30-7h sáng. Đoàn của chúng tôi gồm 1 tài xế, 5 bạn trẻ người Trung Quốc, chỉ có 2 đứa chúng tôi là người nước ngoài. Anh tài xế cũng kiêm luôn chức vụ tour guide hướng dẫn các lịch trình. Để vượt qua rào cản ngôn ngữ với anh tài xế, tôi phải add wechat của ảnh. Nếu bạn không biết tiếng Trung thì ứng dụng Wechat là cực kỳ quan trọng nhé. Wechat có chức năng dịch nên sẽ giúp bạn giao tiếp với người bản địa.

Xe chở chúng tôi đi khoảng hơn nửa tiếng để đến chân núi Ngọc Long Tuyết Sơn. Tại đây, anh tài xế phát cho chúng tôi mỗi người một áo choàng siêu bự và một bình oxy. Vé vào cửa khu du lịch được anh tài xế gửi qua Wechat cho chúng tôi. Đó là một mã code để quẹt khi vào cửa. Sang Trung Quốc mới thấy nước bạn hiện đại dã man, cái gì cũng tiện lợi, chỉ cần có smartphone là xong. Xe chở đoàn chúng tôi vào trong khuôn viên của khu du lịch rồi chúng tôi phải xuống đi bộ vào trong khu soát vé. Đúng kiểu du lịch nổi tiếng, Ngọc Long Tuyết Sơn đông nghịt người luôn.

Chúng tôi chỉ có khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ để thăm Ngọc Long Tuyết Sơn thôi, sau đó còn phải đi thăm Thung lũng Lam Nguyệt và ăn trưa. Anh tài xế ở lại dưới chân núi đợi nên chúng tôi phải tự đi qua cửa soát vé, tự lên xe bus đi lên trạm cáp treo, tự lên núi rồi tự xuống hội ngộ với đoàn ở dưới chân núi. Xếp hàng khá lâu xong lại không biết tiếng Trung nên chúng tôi khá lo lắng. Xếp hàng một hồi thì chúng tôi bị tách khỏi mấy bạn người Trung Quốc cùng đoàn, vì người nước ngoài phải đi cửa riêng.

Cổng soát vé số 1 có chữ Passport màu tím là dành cho người nước ngoài

Xếp xong hàng qua cổng soát vé là đến lượt xếp hàng để lên xe bus đi đến trạm cáp treo.

Xe bus màu xanh chở khách du lịch lên trạm đi cáp treo

Chúng tôi tốn nhiều thời gian nhất ở đoạn chờ lên cáp treo. Chắc phải mất gần 1 giờ đồng hồ. Dân bản địa đi du lịch siêu đông. Được cái cách tổ chức tại đây khá quy củ nên đông đúc nhưng không có cảnh chen lấn xô đẩy hay lấn hàng. Khu vực xếp hàng chỉ vừa đủ cho một người đứng nên các bạn không phải lo nhé.

Dòng người bất tận chậm chạp nhích dần để lên cáp treo
Cáp treo lên đỉnh Ngọc Long Tuyết Sơn

Hành trình chờ đợi quả là không bõ công. Khu vực đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng của Ngọc Long Tuyết Sơn đúng là choáng ngợp. Chúng tôi may mắn lên núi đúng ngày nắng đẹp. Tôi hăm hở leo các bậc thang hướng lên đỉnh cao nhất. Nhưng ở độ cao hơn 4500m như vậy thì đúng là tôi không đủ sức. Vừa leo vừa hít oxy các kiểu rồi nhưng tôi vẫn thấy khó thở và bủn rủn. Cuối cùng thì dự định leo lên bậc thang cao nhất không thể thành hiện thực. Đúng là không thể đánh giá thấp cái không khí loãng ở vùng núi cao chót vót này được.

Đỉnh Ngọc Long Tuyết Sơn ở độ cao 4506m
Đỉnh núi tuyết trắng dưới ánh mặt trời chói chang
Du khách có thể tạo dáng cùng con lạc đà không bướu mông tròn này

Dành cho bạn: Kiến thức mới Kỹ thuật ấp trứng gà bằng thùng xốp dành cho người mới

Sau khi khám phá Ngọc Long Tuyết Sơn xong, chúng tôi đi cáp treo xuống núi. Anh tài xế chở đoàn chúng tôi sang khu vực tham quan Thung lũng Lam Nguyệt. Tại khu vực tham quan Thung lũng Lam Nguyệt, anh tài xế đưa đoàn chúng tôi đến chỗ mua vé xe điện. Cả thung lũng gồm nhiều hồ với độ cao khác nhau được chia thành 3 khu vực chính. Xe điện sẽ đưa chúng tôi đi lần lượt các khu này. Anh tài xế còn nhắn Wechat bảo tôi là khu vực này đẹp lắm, nhớ chụp ảnh nhiều vào nhé.

Công nhận lời anh tài xế không sai tẹo nào. Thung lũng Lam Nguyệt đẹp đến mức tôi và đứa bạn không thể ngừng thốt lên ‘Đẹp quá’, ‘Chưa bao giờ thấy cái hồ nào đẹp như thế này’, ‘Ôi đẹp chết mất’, ‘Hạn hán lời vì đẹp’, ‘Sao lại có cái màu xanh đẹp thế nhỉ’. Tôi tin rằng không ảnh chụp nào có thể lột tả được vẻ đẹp của Thung lũng Lam Nguyệt. Nếu có điều kiện bạn hãy trực tiếp đến và tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên quyến rũ này nhé. Bảo sao văn chương Trung Quốc lai láng vậy. Phong cảnh đúng chất phong thủy hữu tình.

Màu xanh quyến rũ
Đẹp không thốt nên lời
Có núi, có hồ, có trời mây. Đúng chất phong thủy hữu tình
Bò trắng làm du lịch
Một cái thác nhỏ nối giữa 2 hồ trong thung lũng

Kết thúc hành trình tận hưởng thiên nhiên, đoàn chúng tôi được dẫn đi ăn lẩu gà. Tour này cho cả đoàn 7 người ngồi ăn chung một nồi lẩu to. Bữa trưa khá ngon và no bụng. Các bạn người Trung Quốc cùng đoàn rất thân thiện và nhiệt tình. Tôi chỉ học một vài câu tiếng Trung bồi để giới thiệu tôi là người Việt Nam và tên một vài loại đồ ăn đơn giản như thịt gà, thịt bò, rau. Nên tôi rất tiếc vì không thể giao tiếp nhiều hơn với các bạn cùng đoàn. Họ cũng chỉ nói được những từ tiếng Anh vô cùng đơn giản như WC, let’s go, Yes, No, Chicken, Rice.

Xe đưa chúng tôi về lại cổ trấn vào khoảng 4-5 giờ chiều. Tour thăm Ngọc Long Tuyết Sơn và Thung lũng Lam Nguyệt đúng là đáng giá từng xu. Bạn nào đã đi Lệ Giang thì nhớ đi cái tour này nhé. Chắc chắn bạn sẽ không phải hối hận đâu.

Ngày 5: Thúc Hà cổ trấn và Mộc Phủ

Thúc Hà cổ trấn nằm cách Lệ Giang khoảng 15 phút di chuyển bằng taxi. Khác với Lệ Giang cổ trấn vốn nhộn nhịp du khách, Thúc Hà cổ trấn vắng vẻ và trầm lặng hơn. Lượng khách du lịch dạo quanh Thúc Hà cổ trấn vào thời điểm chúng tôi đến thăm có khi còn ít hơn số lượng các bạn trẻ bản địa đến chụp ảnh cưới theo phong cách cổ trang kiếm hiệp. Nói chung Thúc Hà cổ trấn là một điểm đến phù hợp cho những ai muốn tận hưởng không gian cổ kính êm đềm, rời xa những nơi xô bồ huyên náo. Mà bạn phải mua vé để tham quan Thúc Hà cổ trấn nhé.

Xe ngựa ngay cổng vào
Một cây cầu đá bắc qua kênh
Một góc phố đìu hiu

Sau khi thăm Thúc Hà cổ trấn và ăn trưa bằng việc thử nghiệm vài món ăn địa phương, chúng tôi lên taxi quay về Lệ Giang cổ trấn để thăm Mộc Phủ. Mộc Phủ là nơi ở ngày xưa của người đứng đầu Lệ Giang, tôi cứ hay gọi vui là trưởng làng. Cái phủ này là một cái cung điện các bạn ạ. Lúc đầu tôi định tiếc tiền không vào thăm nhưng đúng là mua vé vào Mộc Phủ không hề phí tẹo nào. Cái dinh cơ này phải to bằng cả một cái cung điện dành cho vua ở bên Hàn Quốc luôn ấy. Các gian phòng trong Mộc Phủ cũng được sắp đặt với nhiều hiện vật và có cả mô tả bằng tiếng Anh cho khách nước ngoài. Len lỏi giữa các khu nhà trong Mộc Phủ là những hồ cá, rặng liễu, bàn đá nghỉ chân đúng chất “phim cổ trang”. Có cả một phần nhà được xây men theo một ngọn đồi. Chúng tôi cũng hồ hởi leo lên gác nhà cao nhất để ngắm toàn cảnh cổ trấn bên dưới.

Cung điện nguy nga bề thế
Khung cảnh nhìn từ trên cao
Khu vực ngồi nghỉ giữa vườn, có tán cây rộng che nắng

Ngày 6: Núi voi & Lệ Giang – Quảng Châu

Vậy là chuyến đi cũng đã đến hồi kết thúc. Chúng tôi chỉ còn vỏn vẹn nửa ngày ở Lệ Giang. Tôi quyết định đi thăm công viên Hắc Long Đàm lần cuối trước khi ra về. Vé hôm trước mua vẫn còn hiệu lực nên tôi không phải mua vé mới. Trong công viên này có một ngọn núi gọi là Núi Voi, cao khoảng 700 bậc thang. Vì là người nước ngoài nên tôi phải đưa thông tin hộ chiếu cho chú bảo vệ ngồi ở chân núi ghi lại vào một quyển sổ rồi mới được leo lên. Ngọn núi này leo khá mệt, tôi mất gần 2 tiếng đồng hồ để lên đến đỉnh và đi xuống. Nhưng đây cũng là một trải nghiệm đáng nhớ với chúng tôi. Tôi khá thích việc leo trèo vận động như này.

Buổi trưa, chúng tôi lên máy bay tạm biệt Lệ Giang xinh đẹp và hướng về Quảng Châu. Đặt chân đến Quảng Đông, chúng tôi bị choáng ngợp bởi sự hoành tráng của sân bay quốc tế Bạch Vân. Sân bay này còn to và hiện đại hơn nhiều so với sân bay ở Thâm Quyến. Số lượng cửa lên máy bay tại sân bay quốc tế Bạch Vân chắc phải tầm 1000 cửa. Tại đây có khu vực chờ riêng dành cho khách transit thuộc diện được hỗ trợ đưa đón và khách sạn miễn phí (hãng China Southern Airlines). Nếu ai chưa đặt sẵn khách sạn online trên website của hãng bay như tôi thì có thể tự lựa chọn khách sạn để book ngay tại chỗ này. Có sẵn các máy tính bảng và nhân viên hướng dẫn du khách thao tác.

Chúng tôi lại được cung cấp một chút đồ ăn nhẹ và được đưa về khách sạn đã đặt phòng. Vì muốn ngắm nghía một chút ở Quảng Châu nên hai đứa tôi ra khu phố gần khách sạn để mua ít há cảo về ăn. Đường phố tại đây khá sạch sẽ ngăn nắp, người dân cũng rất thân thiện.

Ngày 7: Quảng Châu – Hà Nội

Chúng tôi lên chuyến bay sáng để về nước. Trong lòng vô cùng tiếc nuối vì chuyến đi đã kết thúc quá nhanh. Những đặc sản tôi mua về từ Lệ Giang gồm có trà và kẹo me để làm quà. Vùng Vân Nam vốn nổi tiếng về trà nén lại thành bánh (hình tròn dẹt như cái đĩa) nên bạn nào thích uống trà thì nhớ mua nhé. Kẹo me cũng là một món ăn chơi tôi thấy khá thích. Bạn chỉ cần vào cửa hàng nào có hình quả me ở trên bảng hiệu/sản phẩm, người bán hàng sẽ mời bạn ăn thử nhiều loại khác nhau.

Ấn tượng cuối cùng của tôi về sân bay Bạch Vân chính là sự ‘có tâm’ (ảnh dưới).

Xe chở hành lý được xếp sẵn cạnh băng chuyền tại sân bay quốc tế Bạch Vân

Trong vòng một năm sau ngày du lịch Lệ Giang, chúng tôi vẫn thường xuyên ăn mày quá khứ và mong mỏi có cơ hội để thăm các địa danh hấp dẫn khác của Trung Quốc. Sau khi đi về, tôi đã đăng ký học tiếng Trung và đến giờ vẫn đang tự học. Mong rằng Covid sớm đi qua, tôi cuồng chân lắm rồi.

Tháng 12 năm 2020

Kết thúc một năm buồn.

Phan

Viết một bình luận