Du lịch di sản
Không phải ngẫu nhiên mà hàng năm các khu Di sản Thế giới thu hút hàng triệu lượt lượt khách tới thăm, bởi di sản thế giới là những khu vực có giá trị nổi bật về cảnh quan tự nhiên, văn hóa, kiến trúc độc đáo và hệ sinh thái đa dạng, phong phú, được Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO tuyển chọn kỹ lưỡng theo các quy định của Công ước 1972.
Bạn đang xem: du lịch di sản là gì
Di sản là nguồn lực cho du lịch phát triển, ngược lại du lịch được các nhà bảo tồn coi là “cứu cánh quan trọng” trong nỗ lực bảo tồn và phát triển tại các khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Nguồn thu từ hoạt động du lịch không chỉ hỗ trợ cho những nỗ lực bảo vệ di sản, môi trường sinh thái mà còn giúp cho người dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Du lịch di sản văn hóa (hay Du lịch di sản) là một bộ phận quan trọng của ngành du lịch. Không chỉ đơn thuần là việc thăm viếng các di tích lịch sử, văn hóa, du lịch di sản còn là sự gặp gỡ cá nhân với lịch sử, văn hóa và truyền thống của một vùng đất [2], mọi người cho rằng ở mỗi vùng đất hay cộng đồng đều có một câu truyện riêng của mình để kể cho du khách. Theo Ủy ban Quốc gia về Bảo tồn Lịch sử Hoa Kỳ, du lịch di sản là du lịch để trải nghiệm những địa điểm và hoạt động thể hiện chính xác những câu chuyện và con người trong quá khứ, còn du lịch di sản văn hóa được định nghĩa là du lịch để trải nghiệm những địa điểm và hoạt động thể hiện chân xác những câu chuyện và con người của quá khứ và hiện tại [3].
Du lịch di sản là những hoạt động kết nối du khách với văn hóa, môi trường tự nhiên và cộng đồng dân cư địa phương ở các khu di sản. Là loại hình du lịch có hàm lượng văn hóa cao, tôn trọng tự nhiên, du lịch di sản là luôn được UNESCO và các quốc gia trên thế giới khuyến khích phát triển. Đây là loại hình du lịch tổng hợp cả du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch có trách trách nhiệm, du lịch cộng đồng trên tinh thần tôn trọng, giữ gìn tính nguyên vẹn của các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.
Di sản văn hóa và du lịch
Ở nước ta, di sản văn hóa là “tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một bộ của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn rtong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta” [4]. Di sản văn hóa không chỉ là “tài sản quốc gia” mà còn là nguồn lực quan trọng cho du lịch khai thác và phát triển, nhưng di sản cũng phải dựa vào du lịch để bảo tồn, quảng bá và phát huy. Đó là mối hệ hữu cơ, không thể tách rời. Mối quan hệ du lịch và di sản văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế có ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau. Trước hết là ảnh hưởng của di sản văn hóa đối với du lịch. Những chuẩn mực, giá trị, phong tục và tập quán lao động, sản xuất, kiếm kế sinh nhai của cộng đồng địa phương sẽ tạo nên những sắc thái văn hóa bản địa, tính độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, từ đó góp phần đưa hình ảnh quốc gia/địa phương đến với thế giới bên ngoài một cách nhanh chóng, trực tiếp và sinh động. Về bản chất, du lịch là một hoạt động văn hóa cao cấp của con người.
Văn hóa tiềm ẩn đằng sau du lịch là nhu cầu nội sinh thôi thúc du khách lên đường và khám phá những vùng đất mới, văn hóa mới. Văn hóa là nguồn tài nguyên độc đáo của du lịch xét trên cả hai phương diện văn hóa vật thể (cảnh quan, di sản kiến trúc, di tích văn hóa – lịch sử, hàng thủ công mỹ nghệ, công cụ lao động, dụng cụ sinh hoạt, ẩm thực…) và văn hóa phi vật thể (lễ hội, nghệ thuật truyền thống, lối sống bản địa, phong tục tập quán địa phương, tín ngưỡng…).
Văn hóa là nền tảng cho việc phát triển du lịch bền vững, vì nó vừa là điểm nhấn thu hút du khách, vừa là cội rễ để bảo tồn bản sắc độc đáo trong sự giao lưu văn hóa đa dạng, tạo nên tính nhân văn cộng đồng. Văn hóa còn biểu hiện trong việc kinh doanh du lịch như hành vi ứng xử và cách thức kinh doanh giữa công ty lữ hành với du khách, giữa cư dân địa phương tham gia làm du lịch với du khách, giữa con người với môi trường du lịch, thậm chí còn trong cả mối quan hệ giữa người dân địa phương không tham gia làm du lịch với du khách.
Cũng theo đó di sản văn hóa cũng đã có những tác động đến du lịch, là nguồn tài nguyên hình thành các loại hình, sản phẩm du lịch như: Du lịch nông nghiệp, du khảo đồng quê… Ở các khu vực bảo tồn thiên nhiên và di sản thế giới, phần lớn cộng đồng dân cư địa phương sống bằng nghề nông và các nghề thủ công mỹ nghệ, chính vì vậy du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề là một loại hình du lịch chủ yếu dựa vào cuộc sống, hoạt động sản xuất, canh tác nông nghiệp, nuôi trồng và làm các đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống của cộng đồng địa phương. Cộng đồng dân cư địa phương trong các khu di sản vừa tham gia bảo vệ di sản, vừa lưu giữ, bảo tồn và giới thiệu những giá trị văn hóa mang bản sắc, riêng có của địa phương, chính là những yếu tố văn hóa hấp dẫn du khách tìm đến để trải nghiệm và khám phá. Sự biến đổi từ lao động nông nghiệp sang loại hình du lịch dựa vào nông nghiệp, du lịch trải nghiệm cuộc sống ở các làng quê từ tư liệu sản xuất, đất đai, con người, qui trình sản xuất, phương thức tập quán kỹ thuật canh tác và sản phẩm làm ra, nghi lễ, tri thức dân gian về các hoạt động sinh kế truyền thống… đến những yếu tố tự nhiên có liên quan đến văn hóa sinh kế, hoạt động sản xuất nông nghiệp như đất đai, hệ thống thủy lợi, sông ngòi, thời tiết, khí hậu, cảnh quan… đều là cơ sở tài nguyên cho du lịch nông nghiệp.
Đọc thêm: Share Tour Guide Là Gì? Mô Tả Công Việc Của Tour Guide
Ngược lại du lịch tác động đến di sản văn hóa. Qua con đường du lịch, văn hóa bản địa, các giá trị di sản được đưa đến với du khách bằng những cách thức khác nhau: Tham quan, khám phá, nghỉ ngơi, thưởng thức các loại hình nghệ thuật, giao lưu văn hóa… từ đó tăng cường sự đa dạng và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, vùng miền. Sản phẩm du lịch đồng thời cũng là sản phẩm văn hóa vì du khách khi tới một vùng đất mới thì nhu cầu văn hóa tinh thần luôn đi đôi với nhu cầu văn hóa vật chất, thậm chí yếu tố văn hóa còn tạo ra những sức hút lạ kỳ, mạnh hơn cả các yếu tố về vật chất.
Du lịch di sản và sinh kế của người dân
Ngày nay, du lịch trở thành một trong 10 ngành công nghiệp lớn nhất thế giới, riêng năm 2018, đã có khoảng 1,4 tỷ du khách quốc tế tham gia, tăng 56 lần so với năm 1950, doanh thu du lịch chiếm khoảng 5% GDP của thế giới. Du lịch trở thành một công cụ chủ yếu trong nỗ lực giữ gìn, bảo vệ di sản, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho cộng đồng địa phương, đặc biệt ở những khu vực được bảo vệ của di sản.
Các khu vực di sản thế giới hay di tích và danh thắng là những điểm thu hút chính của du lịch và ngày càng thu hút nhiều khách du lịch tới tham quan, khám phá. Sự phát triển du lịch tại các khu vực di sản mang đến các nguồn thu đáng kể hỗ trợ kinh phí bảo tồn di sản và hỗ trợ cuộc sống của người dân địa phương sinh sống trong khu vực. Vấn đề quan trọng đặt ra đối với du lịch di sản là phải đảm bảo kết quả tích cực cho cả việc bảo tồn và phát triển cộng đồng dân cư, tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, việc cân bằng giữa bảo tồn di sản, phát triển du lịch và nhu cầu con người của cư dân là vấn đề phức tạp và đầy thử thách [5], đòi hỏi nhiều nỗ lực của các bên có liên quan: Cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp.
Các cộng đồng dân cư tại các khu di sản chính có nhiều vai trò trong ngành du lịch, vừa là những người lưu giữ, bảo vệ các giá trị của di sản, vừa tạo ra các yếu tố, sức hút về văn hóa thông qua cuộc sống, văn hóa ứng xử, sự thân thiên, mến khách, vừa là các nhà cung cấp các dịch vụ lưu trú, nhà hàng, bán hàng lưu niệm, làm nghề thủ công mỹ nghệ…
Phát triển du lịch và các hoạt động du lịch trong khu di sản đã tạo ra nhiều tác động tới cộng đồng dân cư. Điều quan trọng là phải hiểu những tác động này như thế nào, bởi mức độ tác động thường phụ thuộc vào sự phân chia lơi ích giữa các bên. Những người dân yếu thế hơn sẽ nhận được ít các lợi ích hơn, những người có cơ hội và nhu cầu khác nhau, có thể nhận được những tác động khác nhau, phản ứng của họ với du lịch cũng khác nhau.
Một trong những tác động rõ nhất khi phát triển du lịch trong các khu vực di sản đối với cộng đồng đó là làm thay đổi hệ thống sinh kế truyền thống, chiến lược sinh kế, phương thức sinh kế và các nguồn lực sinh kế (nguồn lực con người, nguồn lực tư nhiên, tài chính, vật chất và nguồn lực xã hội). Trước đây người dân sinh sống trong các khu vực di sản chỉ quen với nghề làm nông nghiệp, chăn nuôi, săn bắt, hái lượm, làm một số nghề thủ công, khi thực hiện các dự án phát triển du lịch, nhiều diện tích đất tự nhiên, đất sản xuất nông nghiệp, đất ở của người dân bị thu hồi để làm dự án du lịch, nguồn lực đất đai bị hạn chế, không gian sản xuất, canh tác bị thu hẹp, nhiều người thích ứng, chủ động học hỏi, trang bị kiến thức, kỹ năng về kinh doanh du lịch làm kế sinh nhai mới như kinh doanh nhà hàng, khách sạn, bán hàng lưu niệm, vận chuyển khách du lịch, nhưng cũng có nhiều người thích ứng chậm hơn, bị động trong việc chuyển đổi sinh kế, việc làm, thậm chí hẫng hụt, mất phương hướng, kết quả là chịu thiệt thòi và yếu thế hơn trong các hoạt động sinh kế mới.
Phát triển du lịch di sản gắn với vấn đề bảo tồn và đảm bảo sinh kế bền vững và công bằng cho người dân trong khu vực di sản là hết sức cần thiết và quan trọng. Vấn đề cân bằng, hài hòa lợi ích giữa các bên có liên quan trong khu di sản phải được các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo để vừa bảo tồn được di sản cho các thế hệ tương lai, vừa phát triển du lịch và đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư địa phương.
Du lịch di sản – Tác động và những vấn đề đặt ra
Tác động của du lịch tại các khu vực di sản chủ yếu là do sự phát triển quá mức các cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và sự gia tăng lượng khách du lịch. Sự phát triển cơ sở hạ tầng, kỹthuật chủ yếu là việc xây dựng đường xá, khách sạn, nhà hàng có thể tác động đến môi trường cảnh quan, gây ô nhiễm. Sự gia tăng và tập trung lượng khách đông đúc tại một thời điểm cũng gây ra những tác động khác nhau phụ thuộc vào sức tải về môi trường và xã hội. Tuy nhiên mức độ tác động này còn phục thuộc vào sức đề kháng và độ đàn hồi. “Sức đề kháng là khả năng hứng chịu sử dụng mà không bị xáo trộn, còn độ đàn hồi là khả năng trở lại tình trạng không bị sáo trộn ban đầu sau khi bị tác động” [6]. Thực tế cho thấy, sức đề kháng là thước đo khả năng của các môi trường khác nhau và các nền văn hóa khác nhau chống lại sự thay đổi. Các cộng đồng dân cư ở các khu vực di sản khác nhau có khả năng ứng phó và chống lại sự thay đổi khác nhau tùy theo “sức đề kháng” về văn hóa của họ.
Đáng xem: Foc là gì? Phòng Foc là gì? Foc trong khách sạn nghĩa là gì?
Du khách thường có thói quen có thể dự đoán được. Phần lớn du khách thường đi theo những tuyến du lịch có sẵn với những điểm du lịch nổi tiếng đã được thiết lập cố định trong khu di sản. Nên những tác động thường chỉ giới hạn ở những tuyến điểm này, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm khách du lịch, các điểm du lịch có xu hướng mở rộng theo thời gian. Các nhóm du khách, nhất là khách Châu Á thường tập trung đi đến thăm các khu di sản thế giới vào những dịp nghỉ lễ, tạo nên sự tắc nghẽn, quá tải ở các khu vực trưng bày, điểm chụp ảnh (check-in). Sự đông đúc cũng gây ra tác động tiêu cực khi nó trái với mong muốn của du khách. Khi lượng người quá lớn ở một khu di sản chắc chắn sẽ làm giảm mức độ thụ hưởng và cơ hội được thư thả một mình. Tuy nhiên việc nghiên cứu xác định mức tải của khu di sản (cả về môi trường và xã hội), lượng du khách đến thăm đông mức độ nào thì có thể gây cảm giác quá tải cũng cần các nhà quản lý lưu tâm. Bên cạnh đó, một số nhóm du khách trẻ, ưa mạo hiểm, khám pháp có xu hướng mở rộng các khu vực tham quan như các nhóm phượt, leo núi, chèo thuyền kayak,.. Các hoạt động khác nhau gây ra những tác động khác nhau. Chẳng hạn leo núi và chụp ảnh thiên nhiên có thể làm kinh động đến chim đang làm tổ. Các hoat động của các phương tiện có động cơ có tác động tiêu cực đến môi trường dễ bị tổn thương. Các tác động khác nhau đối với di sàn còn tùy thuộc vào cách thức hoạt động của du khách. Những người leo núi đã qua lớp huấn luyện sẽ ít gây hại hơn những người không được đào tạo. Tác động do du khách gây ra thường là không có chủ ý và có thể giảm thiểu bằng những chỉ dẫn cụ thể, rõ ràng.
Phát triển du lịch có tác động như thế nào đối với cộng đồng địa phương, tích cực hay tiêu cực, việc đánh giá này thường phụ thuộc vào mức độ tham gia và hưởng lợi của các cộng đồng dân cư địa phương. Một số nghiên cứu phát hiện cư dân thường ủng hộ du lịch nếu gia đình họ được hưởng lợi, có việc làm, thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình. Một số nghiên cứu thì đưa ra những lo ngại của người dân địa phương về những tác động của du lịch tới giá bất động sản, giá cả hàng hóa cao, thay đổi lối sống, phong tục tập quán, sự suy giảm các giá trị văn hóa truyền thống, gia tăng tệ nạn xã hội. Sự chấp nhận, ủng hộ của cộng đồng đối với du lịch phụ thuộc nhiều vào mức độ đáp ứng các nhu cầu và ước vọng của cư dân địa phương trong khu vực di sản và sự hòa nhập của họ vào ngành du lịch. Sự thay đổi các giá trị văn hóa mang tính tiêu cực có thể được giảm thiểu nếu cư dân địa phương có thể tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch, có vai trò trong việc ra quyết định về quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch và các vấn đề liên quan đến khách du lịch (số lượng, tần suất, mức phí tham quan…). Khi cộng đồng dân cư địa phương có quyền tự quản đối với đất đai của họ và được khuyến khích tham gia vào hoạt động du lịch, chắc chắn các tác động văn hóa và kinh tế giảm. Khả năng tiếp cận các điểm du lịch trong khu di sản và những lợi ích về kinh tế, việc làm, gia tăng thu nhập cho kinh tế cộng đồng sẽ tạo thêm các yếu tố thuyết phục sự chấp nhận và đồng hành của cộng đồng đối với phát triển du lịch.
Xung đột nảy sinh khi các lợi ích kinh tế của các bên, nhất là của cộng đồng được phân chia không đồng đều, sự chênh lệch lớn về mức độ thu nhập, giàu có. Du lịch sẽ tạo nên căng thẳng xã hội khi người địa phương không hài lòng với tiền sử dụng các dịch vụ tàu phá, vé thăm quan và giá các mặt hàng sinh hoạt tăng, việc khai thác quá mức các nguồn lợi tự nhiên phục vụ du khách như các loại đặc sản địa phương. Vấn đề đặt ra là phải đảm bảo lợi ích kinh tế của các bên có liên quan, quyền được thụ hưởng và sử dụng các dịch vụ, hàng hóa của cộng đồng địa phương bằng chính sách ưu đãi, giảm giá riêng.
Kết luận và khuyến nghị
Thế giới dường như ngày càng phẳng hơn, khoảng cách giữa các quốc gia, các điểm đến du lịch, giữa các khu đô thị lớn (mega cities) với các di sản thế giới ngày càng thu hẹp cả về không gian và thời gian. Du lịch di sản tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, khám phá thiên nhiên hoang sơ, thanh bình ở các khu di sản, di tích và danh thắng đang trở thành xu thế chủ đạo, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng khách du lịch có hiểu biết, trình độ cao, giàu có và phóng khoáng trong chi tiêu, mua sắm. Đây cũng là một xu hướng phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới, do sức ép của công việc, không gian sống ở các khu đô thị lớn ngày càng đông đúc, ngột ngạt, những giá trị văn hóa truyền thống bị suy giảm, thúc đẩy con người tìm đến những di sản văn hóa và thiên nhiên nơi lưu giữ những giá trị cốt lõi về lịch sử phát triển của con người, về văn hóa, về tự nhiên để nạp thêm năng lượng, tìm lại những giá trị tốt đẹp cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Du lịch di sản mang lại nhiều lợi ích về mặt bảo tồn và phát triển cộng đồng. Trước hết nó góp phần bảo vệ các nguồn tài nguyên tự nhiên, văn hóa và lịch sử thông qua sự kết nối, tham gia của người dân trong cộng đồng. Thứ hai, thông qua việc tham gia vào các hoạt động du lịch và được giới thiệu về các di tích lịch sử của địa phương, người dân sẽ biết rõ hơn về lịch sử và truyền thống góp phần tạo dựng niềm tự hào, giá trị văn hóa địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của chính họ.
Phát triển du lịch ở các khu vực di sản phải tuân thủ nghiêm các quy định chặt chẽ của UNESCO, các quốc gia và địa phương có di sản, trên tinh thần tôn trọng tối đa các giá trị nổi bật toàn cầu, tính nguyên vẹn, chân xác của di sản. Ở các di tích quốc gia và di sản thế giới chỉ khuyến khích và cho phép các hoạt động du lịch sinh thái, văn hóa bền vững, có trách nhiệm. Một trụ cột quan trọng trong hoạt du lịch di sản bền vững là đảm bảo sự tham gia của người dân địa phương thông qua sinh kế, việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương và gia đình của họ. Chỉ khi nào người dân được hưởng lợi từ di sản, tham gia vào các hoạt động bảo tồn, khai thác du lịch, trở thành một phần của di sản thì họ mới gắn bó máu thịt và đồng hành cùng với di sản. Sự cân bằng trong vấn đề bảo tồn và phát triển du lịch di sản sẽ bị phá vỡ, nếu lợi ích, sinh kế của cộng đồng địa phương không được đảm bảo.
Bên cạnh đó, để phát triển du lịch di sản một cách hiệu quả và bền vững ở các khu vực di sản, các nhà quản lý di sản cũng cần phải chú ý đến một số nội dung như: Nghiên cứu, đánh giá các tác động của phát triển du lịch ở từng địa bàn, khu di sản cụ thể để có cách thức tổ chức và khai thác cho phù hợp, tránh những tác động không mong muốn gây tổn hại tới khu di sản. Có quy hoạch phân bổ các hoạt động du lịch ở những địa điểm có nguồn tài nguyên vừa có sức đề kháng lẫn khả năng đàn hồi tự nhiên hoặc biện pháp kéo giãn lượng khách tại các điểm nhằm giảm tác động xấu tới môi trường và di sản. Nghiên cứu phân tích những tác động do du khách gây ra theo cách thức hoạt động (du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa); thị trường, đối tượng khách, số lượng khách tham quan tại một điểm để có phương án làm cho tác động của du khách phù hợp với địa điểm tham quan. Cơ chế, mô hình quản lý và việc phân chia thu nhập giữa các bên liên quan cũng cần được nghiên cứu xây dựng cho phù hợp với điều kiện và bối cảnh phát triển để vừa huy động các nguồn lực hỗ trợ cho công việc bảo tồn, giữ gìn tính nguyên, giá trị chân xác của di sản trao truyền cho các thế hiện tương lai theo tinh thần Công ước Di sản thế giới, đồng thời khuyến khích, huy động các nguồn lực của xã hội, cộng đồng địa phương đầu tư, phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch có hàm lượng văn hóa cao, riêng có của địa phương nơi có di sản.
Du lịch di sản là loại hình du lịch dựa căn bản vào nguồn lực di sản văn hóa và tự nhiên trên tinh thần tôn trọng các giá trị nguyên gốc và chân xác của di sản không chỉ tạo ra nguồn thu đóng góp cho việc giữ gìn, bảo tồn di sản, mà còn phải mang lại các lợi ích cho cộng đồng và doanh nghiệp. Sự cân bằng, hài hòa lợi ích của cư dân địa phương, doanh nghiệp, du khách và nhà nước là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển du lịch di sản trong tương lai./.
Tác giả: Thạc sỹ Bùi Văn Mạnh