09:48, 25/09/2019 Môi trường ẩm thấp, mưa nắng thất thường là những điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, lây truyền bệnh tật. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe gia đình, một số nông dân đã tự chế tạo ra máy hút muỗi từ việc tận dụng những vật dụng sẵn có trong gia đình.
Mỗi khi mùa mưa đến, gia đình bà Trần Thị Liên (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) lại khổ sở vì muỗi. Bà đã phát quang bụi rậm quanh nhà, thường xuyên kiểm tra các vật dụng chứa nước, loại bỏ những vật dụng có khả năng đọng nước làm nơi cho muỗi sinh sản. Tuy nhiên, do đất đai tại vùng Ea Súp vốn thoát nước kém, chỉ cần xuất hiện thời tiết mưa nắng xen kẽ là nhiều vũng nước đọng hình thành ngay trên mặt đất, cây cối cũng rậm rạp hơn nên những biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy không mấy hiệu quả. Hơn nữa, bà lại xây dựng chuồng trại nuôi bò, gà gần nhà nên muỗi thường hút máu các vật nuôi này và sinh trưởng rất nhanh. Nhiều hôm, gia đình bà phải mắc màn ngay cả khi ăn cơm để tránh muỗi đốt và phòng các bệnh lây lan do muỗi truyền.
Bạn đang xem: cách làm máy hút muỗi
Bà Nguyễn Thị Liên tự chế tạo chiếc máy hút muỗi từ những vật dụng sẵn có trong gia đình.
Nên xem: Những cách chống trộm xe máy an toàn nhất
Để khắc phục tình trạng trên, bà đã mày mò chế ra chiếc máy hút muỗi theo cách đơn giản mà hiệu quả bất ngờ. Trước tiên, bà tận dụng tre, trúc đan thành khung hình ống bao quanh chiếc quạt điện gia đình đang sử dụng rồi dùng các bao đựng phân bón may kín bên ngoài. Đầu khung tre phía sau quạt, bà treo bóng điện để dẫn dụ muỗi. Phía trước quạt, bà dùng túi may từ vải màn cũ tạo thành chiếc túi thu muỗi vào. Mỗi khi trời sẩm tối, bà bật bóng điện và quạt cùng lúc. Muỗi và nhiều loại côn trùng khác sẽ tập trung phía trước bóng đèn và bị luồng gió từ quạt hút về phía túi vải màn.
Đến sáng, bà chỉ cần túm chặt miệng túi, dìm vào thau nước cho muỗi chết rồi giũ sạch, phơi khô túi để tiếp tục sử dụng. Qua vài đêm sử dụng chiếc máy này, nhà bà Liên đã giảm hẳn ruồi, muỗi. Bà cho biết, cách làm máy hút muỗi rất đơn giản, vật liệu dễ kiếm và hầu như không tốn kém gì nhờ tận dụng được các đồ dùng sinh hoạt hằng ngày. Bà chỉ mất khoảng 1 giờ để hoàn thành chiếc lồng rồi gắn bóng đèn và túi thu muỗi vào nhưng lại sử dụng được trong suốt 5, 6 tháng mùa mưa. Đến những tháng mùa khô nắng nóng, bà lại gỡ lồng ra, trả chiếc quạt về công năng ban đầu.
Ông Nguyễn Văn Muội (xã Ea Nam, huyện Ea H’leo) cũng tự chế tạo chiếc máy hút muỗi tương tự, sử dụng gần 20 năm qua. Trước kia, gia đình ông nuôi nhiều bò nên ruồi, muỗi sinh sôi rất nhanh và nhiều. Chuồng trại lại gần nhà nên ông không dám sử dụng các loại thuốc hóa học vì sợ ảnh hưởng đến môi trường sống. Do đó, ông mày mò chế tạo máy hút muỗi dựa vào nguyên lý hút không khí từ phía sau ra trước của cánh quạt. Chỉ cần tạo ra một chiếc lồng kín để tập trung luồng gió theo một hướng cố định rồi treo bóng đèn và túi lưới ở hai đầu là có thể sử dụng ngay.
Ông Muội chia sẻ, mỗi ngày ông chỉ bật máy hút muỗi khoảng 2 tiếng lúc trời chập choạng tối là có thể thu được phần lớn muỗi, ruồi xung quanh khu vực nhà ở và chuồng trại chăn nuôi. Nhờ đó, dù đã sử dụng gần 20 năm, ông vẫn không hề phải thay quạt hay bóng đèn. Chỉ có chiếc lồng bằng khung tre phải làm lại qua mỗi năm sử dụng mà thôi.
Đọc thêm: Chia sẻ Cách nhanh nhất để lấy 1 hình ảnh trên mạng làm hình nền máy tính, laptop
Ông Nguyễn Văn Muội đã sử dụng máy hút muỗi gần 20 năm qua để bảo vệ sức khỏe gia đình.
Nguyên tắc bẫy muỗi bằng ánh sáng được ứng dụng khá phổ biến trong nhiều sản phẩm có mặt trên thị trường với giá thành từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, các loại máy hút muỗi, đèn bẫy muỗi này thường khá nhỏ và tích hợp cả lưới kim loại có dẫn điện để diệt muỗi nên rất nhanh hỏng. Một số loại bẫy đèn lớn hơn thì không tích hợp cánh quạt hút muỗi, hiệu quả không cao.
Với việc tự chế tạo máy bắt muỗi đơn giản, tiết kiệm như cách làm của một số nông dân đã cho thấy giá trị của sự sáng tạo ngay từ cuộc sống đời thường. Đây cũng là cách làm hiệu quả, hạn chế sự phát triển của muỗi vằn, góp phần đẩy lùi dịch sốt xuất huyết trong điều kiện thời tiết ẩm thấp mùa mưa.
Đinh Nga